Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Câu chuyện nhỏ nhưng khá hay





Ở đời người ta thường hỏi “Làm giàu thế nào?” chứ ít ai chịu hỏi “Vì sao tôi nghèo?”. Chính vì vậy nhiều người không bao giờ nhìn thấy những nhược điểm của mình để tự khắc phục và cuối cùng nghèo vẫn hoàn nghèo.
Chuyện anh nông dân
Có anh nông dân tên Nghèo, ông bà để lại cho 3 thửa ruộng. Mỗi năm ba vụ bán mặt cho đất bán lưng cho trời, sau khi trừ tiền giống, tiền phân, tiền phơi … và không bị lũ lụt, sâu rầy thì chỉ kiếm đủ tiền chi tiêu ăn uống. Năm ngoái xã mở đường nhựa qua ruộng Nghèo, tiền đền bù cũng được kha khá, nhưng chỉ ăn được hơn năm thì lại…nghèo.
Một anh nông dân khác tên Giàu, nhà cũng 3 thửa ruộng, cũng làm quần quật như anh Nghèo. Cuối vụ đập lúa xong anh hốt trấu về om bếp, xin người ta rơm rạ rồi bó lại thuê xe thồ đến bán cho nhà người xóm trên nuôi bò. Tối nằm vắt tay lên trán anh chợt nghĩ, sao nông dân thì cứ phải bán thóc nhỉ?
Thế rồi anh học người ta lấy gạo làm sợi bún, đem bỏ mối ngoài thị xã. Anh thấy hạt gạo chỉ chế biến chút thôi đã bán được giá gấp 5 lần. Thấy Nghèo mất ruộng, Giàu cho thuê ruộng cày, mua gạo của Nghèo về làm bún bán, không làm ruộng nữa.
Chuyện cô thợ dệt
Cô thợ dệt tên Nghèo, làm công nhân trên tỉnh, một ngày đạp máy 12h, đã 4 năm nay cô chỉ may cái túi vào áo. Vật giá leo thang, tiền lương vẫn thế, khó sống quá, cô rủ chị em đình công đòi tăng lương, chủ bảo 4 năm cô cũng chỉ làm được từng ấy việc, sao tôi phải tăng lương?
Một cô thợ may khác tên Giàu, làm cùng khâu với cô Nghèo. Giàu làm được 3 tháng biết việc rồi là xin sang tổ khác, cứ thế 2 năm sau đã thạo làm hết các khâu. Chủ đưa cô lên làm trưởng ca, lo chỉ bảo đôn đốc chị em trong xưởng.
Cuối năm rồi Giàu xin nghỉ về quê 3 tháng, dạy chị em trong làng xỏ kim may áo, vay tiền mua máy rồi lên tỉnh nói với chủ “chị giao áo cho em may, thợ em ở nhà không phải ăn cơm ở trọ nên em giao hàng giá rẻ hơn cho chị”. Còn Nghèo đâu biết vì có những người như Giàu mà Nghèo chả được tăng lương.
Chuyện anh họa sĩ
Một anh họa sĩ tên Nghèo, làm công ở xưởng chép tranh. Nghèo khéo tay vẽ đẹp, tranh của danh họa nào vẽ cũng giống một chín một mười. Nhưng đã sáu năm rồi, Nghèo vẫn cứ ... chép tranh.
Còn anh họa sĩ tên Giàu, chép tranh chả đẹp bằng Nghèo, chủ bán không được nên cho nghỉ việc. Giàu ngẫm tranh chép cũng là đồ giả mà lại đắt, chỉ bọn trọc phú mới mua. Giàu phóng tranh thành ảnh, lồng khung sang trọng rồi bán giá chỉ bằng 1/4 tranh của ông chủ nơi Nghèo làm việc. Thấy Giàu phất nhanh Nghèo hỏi cách nào, Giàu bảo “tại tớ bán khung mà người thì lại mua tranh”.
Ngẫm ở đời người ta thường hỏi “Làm giàu thế nào?” chứ ít ai chịu hỏi “Vì sao tôi nghèo"?

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Thăm chợ phiên Bắc Hà - chơi trò "Chặt thịt"

Xem trò "Chặt thịt " ở chợ phiên Bắc Hà ( Lào Cai)
Nếu bạn đến Bắc Hà mà bạn chưa xem trò "Chặt thịt " thì thật uổng phí , giống như bạn ăn mâm cỗ đầy thức ăn nhưng lại thiếu quả ớt, quả chanh, rau thơm mà thiếu thế thì mâm cỗ kia có nghĩa lý gì nữa , nó chỉ còn là ăn lấy đầy , lấy no chứ không thể là ngon được. Thì cái trò chặt thịt này cũng vậy nó tô điểm thêm cái thú vị cho người đi thăm phiên chợ vùng cao, nó đơn giản nhưng lại rất phong phú, nó không có trong sách vở kinh tế nào nhưng lại là vận dụng các quy luật tiếp thị hiện đại, nó là ....
Nếu bạn muốn xem trò chơi này bạn phải ở phiên chợ Bắc Hà mà bạn phải ở đến tận 12h trưa hoặc quá giờ đó, chứ bạn đi từ Sapa sang lượn vòng quanh chợ, chụp hình , ăn quà , mua sản vật rồi vội vàng lên xe về thì không thể xem trò này được.
Cứ sau 12h khi mà các nồi thắng cố đã vơi, người ta đã uống khá no say, bạn hãy đến chỗ dãy bán thịt ở chợ và chờ đợi, không ai hẹn ai tất cả những người biết trò này đều đến đó, lúc này các phản thịt đã bán bớt nhưng vẫn còn lại các miếng thịt ế, người ta bắt đầu trò chơi " Chặt thịt", các chủ phản thịt bày ra các miếng thịt còn ế của mình và thách đố khách chơi chặt 1 nhát nếu đứt miếng thịt đó làm 2 phần không còn dính lại với nhau chút nào thì người chặt được mang miếng thịt ấy về nhà, còn nếu chặt không đứt thì phải mua miếng thịt ấy theo giá bán chung ở chợ. Nó là trò chơi nên có rất nhiều khách xem cổ vũ cho người chặt, lại có nhóm đánh cá nhau là chặt đứt hay không đứt, rồi tranh nhau vào chơi ( đứng chặt), tiếng cãi cọ, tiếng reo hò của các đám chơi làm cho buổi trưa thật náo nhiệt. Ngoài kia các chú trâu bị buộc vào cột từ sáng, đói khát ... cũng mặc kệ, chủ của nó còn mải chặt thịt để hy vọng may mắn mang về phần thưởng thắng cuộc. Chẳng mấy chốc các phản thịt hết veo, lạ nhỉ đây là cách bán hàng ế rất hay mà chẳng có lý luận marketing gì hết.
Còn chần chừ gì nữa bạn hãy đến Bắc Hà vào ngày chủ nhật nhé, ăn bánh đúc ngô, mèngméng, thắng cố , thịt luộc, uống rượu ngô và tham gia trò chơi chặt thịt.

Lưu trữ Blog